Ảnh hưởng của lão hóa lên mô quanh răng

  1. Ảnh hưởng của lão hóa trên cấu tạo mô nha chu

a. Biểu mô lợi

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự mỏng đi và giảm sừng hóa của biểu mô lợi theo tuổi, vì vậy làm tăng tính thấm của biểu mô với kháng nguyên vi khuẩn và giảm sức đề kháng với các sang chấn chức năng có ảnh hưởng lâu dài đến vùng quanh răng. Ngoài ra, còn có một số thay đổi khác liên quan đến lão hóa như các gai biểu bì phẳng hơn và thay đổi mật độ tế bào biểu mô.

Tác động của quá trình lão hóa trên vị trí của biểu mô nối là chủ đề được nghiên cứu nhiều nhất. Một số nghiên cứu cho thấy sự di chuyển về phía chóp của biểu mô nối trên bề mặt chân răng ở người có men răng bình thường đi kèm với sự tụt lợi. Cùng với sự tụt lợi, chiều rộng của lợi dính sẽ giảm theo tuổi. Ngoài ra, sự di chuyển về phía chóp của biểu mô nối có thể là hậu quả của sự mọc răng liên tục qua biểu mô lợi trong nỗ lực duy trì mặt phẳng cắn với răng đối diện thích nghi với sự mòn răng (sự mọc răng thụ động). Tuy nhiên, tụt lợi không phải là một quá trình sinh lý không thể tránh khỏi của tuổi già mà là do hậu quả tích lũy của quá trình viêm hoặc chấn thương mô nha chu.

b. Mô liên kết lợi.

Mô liên kết lợi ngày cang thô hơn và dày đặc hơn theo tuổi, ngoài ra còn có sự thay đổi về số lượng và chất lượng collagen. Những thay đổi này bao gồm sự tăng tỷ lệ chuyển đổi từ collagen hòa tan thành collagen không hòa tan, tăng sức mạnh cơ học và tăng nhệt độ làm biến tính collagen. Như vậy, có sự tăng tính ổn định của collagen do những thay đổi trong cấu tạo phân tử.

Tuy nhiên, tỷ lệ collagen được tổng hợp lại giảm đi theo tuổi.

c. Dây chằng nha chu.

Những thay đổi trong dây chằng nha chu do lão hóa bao gồm giảm số lượng nguyên bào sợi và tăng bất thường cấu trúc. Ngoài ra, có sự giảm sản xuất các chất hữu cơ căn bản, ngừng hoạt động các tế bào biểu mô và tăng số lượng sợi đàn hồi. Nhiều kết quả trái chiều đã nghi nhận về sự thay đổi chiều rộng của dây chằng nha chu theo tuổi trong các mẫu vật của người và động vật. Một điều chắc chắn là chiều rộng của khoảng quanh răng sẽ giảm nếu răng không được nhai đến (giảm chức năng ) hoặc chịu lực nhai quá mức. Cả hai tình huống trên đều dẫn đến sự mất răng sớm.

d. Xương răng

Có sự gia tăng chiều dày xương răng theo độ tuổi do sự bồi đắp liên tục sau khi mọc răng. Sự gia tăng chiều dày này nhiều hơn ở vùng chóp và mặt lưỡi. Khả năng sửa chữa của xương răng là hạn chế, những bất thường trên bề mặt xương răng như những hõm tiêu xương răng xuất hiện ngày càng nhiều theo tuổi.

e. Xương ổ răng

Hình thái lá cứng xương ổ răng thay đổi liên quan với tuổi, có ngày càng nhiều những bất thường trên bề mặt xương ổ răng và giảm số lượng kết nối bình thường với sợi collagen. Ngoài ra, còn có sự giảm mạch máu trong xương, giảm trao đổi chất và khả năng tự sửa chữa, tăng quá trình hủy xương và giảm tái tạo xương. Trong ghép xương đồng loại đông khô khử khoáng, nếu sử dụng vật liệu ghép từ người cho trên 50 tuổi thì khả năng tạo mô xương ít hơn so với vật liệu lấy từ người cho trẻ hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ lành thương ( can xương) của xương ở vùng ổ răng đã nhổ không liên quan đến tuổi tác. Những thành công của tích hợp xương trong cấy ghép nha khoa dựa trên đáp ứng lành thương ở mọi mô xương lành, không liên quan đến tuổi tác.

f. Mảng bám vi khuẩn.

Sự tích tụ mảng bám ở lợi- răng được cho là do tụt lợi làm tăng diện tích bề mặt mô cứng lộ ra và đặc điểm bề mặt chân răng bị lộ khác so với men răng.

Đối với mảng bám trên lợi, không có sự khác biệt thực sự về chất lượng các thành phần mảng bám. Đối với mảng bám lợi, một số nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng số lượng trực khuẩn đường ruột và pseudomonas ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc giải thích kết quả này do có sự gia tăng của những chủng loại vi khuẩn trên trong miệng của những người lớn tuổi.

Có sự thay đổi một số tác nhân gây bệnh nha chu với tuổi tác, đặc biệt là vai trò ngày càng tăng của Porphyromonas gingivalis và vai trò ngày càng giảm của Actinobacillus Actinomycetemcomitans. Tuy nhiên, tác động của lão hóa lên sự thay đổi sinh thái học vi khuẩn quanh răng vẫn còn chưa thực sự rõ ràng.

g. Đáp ứng miễn dịch.

Những tiến bộ mới đây trong việc nghiên cứu về tác động của quá trình lão hóa trên các phản ứng miễn dịch cho thấy yếu tố có ảnh hưởng lên đáp ứng miễn dịch của vật chủ ít hơn so với suy nghĩ trước đây.

Ở người lớn tuổi có sự giảm đáp ứng miễn dịch của tế bào T và B, các cytokine và tế bào diệt tự nhiên nhưng không có sự khác biệt về đáp ứng miễn dịch của tế bào đa nhân và đại thực bào hoạt động. Nếu có sự hiện diện của mảng bám, phản ứng viêm ở vùng quanh răng của người lớn tuổi sẽ diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn.

2. Ảnh hưởng của lão hóa lên sự tiến triển bệnh nha chu.

Sự nhạy cảm với bệnh nha chu gia tăng theo tuổi. Trong một nghiên cứu thực nghiệm kinh điển về viêm lợi, đối tượng nghiên cứu được loại trừ hoàn toàn mảng bám và viêm bằng các biện pháp làm sạch và điều trị chuyên biệt. Sau đó đối tượng không thực hiện bất kỳ biện pháp vệ sinh răng miệng nào trong vòng 3 tuần. Kết quả cho thấy những người càng lớn tuổi thì tình trạng viêm càng nhiều. Ở người cao tuổi, bệnh viêm lợi thường tiến triển thầm lặng dẫn đến viêm quanh răng với hậu quả là tiêu xương và mất răng.

Ở tuổi cao sẽ không tránh khỏi việc gia tăng sự mất mô liên kết bám dính. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sự phơi nhiễm với một số yếu tố gây phá hủy tổ chức quanh răng như: Mảng bám, sang chấn cơ học mạn tính do đánh răng, những tác động không mong muốn do thầy thuốc gây ra trong phục hình răng, lấy cao răng, kiểm soát bề mặt chân răng.

3. Ảnh hưởng của lão hóa lên đáp ứng điều trị bệnh nha chu

Điều trị thành công bệnh nha chu đòi hỏi phối hợp cả hai quá trình: Tự kiểm soát mảng bám răng tại nhà và kiểm soát mảng bám trên lợi, dưới lợi kỹ càng của bác sĩ chuyên khoa. Một số nghiên cứu chứng minh không có sự khác biệt về đáp ứng với điều trị phẫu thuật hoặc điều trị không phẫu thuật, mặc dù có những thay đổi mô học ở vùng quanh răng theo tuổi tác. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt mảng bám thì sự tiếp tục mất bám dính là điều không thể tránh khỏi.

Trả lời