Dự Phòng Bệnh Quanh Răng

Chúng ta biết, nguyên nhân của bệnh nha chu là mảng bám vi khuẩn, mảng bám gây ra viêm nướu và từ đó mới phát triển thành nhiều hình thức bệnh nha chu khác. Loại bỏ mảng bám để điều trị viêm nướu hay để phòng ngừa viêm nướu phải là mục tiêu chính của mọi biện pháp dự phòng bệnh nha chu.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG BỆNH QUANH RĂNG

  1. Các biện pháp cơ học

a. Kỹ thuật chải răng

Có rất nhiều kỹ thuật chải răng đã được giới thiệu, tuy nhiên các kỹ thuật chải răng phải đáp ứng được các yêu cầu như sau:

  • Phải làm sạch được tất cả các mặt răng, đặc biệt là vùng rãnh lợi và vùng kẽ răng. Việc chải răng thường làm sạch tốt ở phần lồi của răng, nhưng lại hay để lại những mảng bám ở những nơi bị che khuất.
  • Việc di chuyển bàn chải không được làm tổn thương mô mềm và mô cứng của răng. Các biện pháp chải răng theo hướng thẳng đứng và chiều ngang có thể làm co lợi và mòn răng.
  • Phương pháp phải thực hiện tốt sao cho tất cả các phần răng đều được chải và không vùng nào bị bỏ qua.

* Kỹ thuật cuốn: Đây là một kỹ thuật tương đối nhẹ nhàng và được sử dụng khi lợi nhạy cảm. Cạnh của bàn chải được đặt tiếp xúc với răng, các lông bàn chải hướng về phía cuống răng và song song với trục răng. Lưng của bàn chải được xoay nhẹ nhàng xuống dưới đối với hàm trên và lên trên đối với hàm dưới sao cho các lông bàn chải quét qua lợi và răng. Mỗi vùng chải khoảng 10 nhịp và chuyển sang vùng khác theo trình tự.

Nếu cung răng ở phần răng cửa hẹp thì bàn chải có thể sử dụng theo chiều thẳng đứng. Khi chải xong tất cả các mặt má và lưỡi thì chải tới các mặt nhai theo chuyển động xoay.

*Kỹ thuật Bass: Kỹ thuật chải răng này nhằm làm sạch rãnh lợi. Bàn chải được cầm sao cho lông bàn chải và trục răng làm thành góc 45 độ và lông bàn chải hướng về phía rãnh lợi. Sau đó ấn bàn chải hướng về phía lợi và di chuyển với các chuyển động xoay tròn nhỏ sao cho lông bàn chải đi vào rãnh lợi và còn ép vào giữa các răng. Kỹ thuật này có thể gây đau nếu tổ chức bị viêm và nhạy cảm. Kỹ thuật Bass là một phương pháp hiệu quả nhất để làm sạch mảng bám răng, vì vậy khi lợi lành mạnh thì nên sử dụng phương pháp này.

b. Làm sạch kẽ răng.

Kẽ răng là nơi giữ mảng bám nhiều nhất vì rất khó đưa bàn chải tới được, vì vậy, phỉ dùng các phương pháp đặc biệt để làm sạch như sử dụng chỉ tơ nha khoa, tăm gỗ nha khoa, bàn chải kẽ răng và bàn chải đặc biệt.

  • Dùng chỉ nha khoa: Chỉ nha khoa có tác dụng làm sạch mảng bám ở vùng kẽ răng. Để có tác dụng thì phải kéo quanh răng theo đường cong và tiếp xúc chặt với mặt răng.
  • Dùng tăm gỗ: Tăm gỗ được sử dụng không phải để làm sừng hóa lợi mà để làm sạch răng ở vùng ranh giới răng- lợi và làm sạch kẽ giữa các răng.

Khi dùng tăm không được làm tổn thương tổ chức. Nếu chà sát tăm lên lợi viêm sẽ gây kích thích viêm, vì vậy ảnh hưởng tới viêm nhiều hơn là làm sạch răng.

  • Chải kẽ răng: Chải kẽ răng là biện pháp quan trọng để làm sạch kẽ răng. Vùng giữa các răng hàm và kẽ chân răng không thể làm sạch hoàn toàn được bằng chỉ và tăm, nhưng có thể làm sạch tốt hơn bằng bàn chải kẽ răng.
  • Dùng bàn chải giữa các khoảng trống: Đây là bàn chải chỉ có một búi lông được thiết kế làm sạch vùng khó được bàn chải bình thường tới như quanh các răng không đều, chỗ răng ở giữa các vùng răng bị mất và quanh trụ cầu răng. Ở các vùng này, bàn chải xoay tròn tự động có tác dụng tốt.
  • Dùng bàn chải tự động: Bàn chải tự động được thiết kế với một số loại khác nhau về cách chuyển động như chuyển động hình cung, chuyển động rung và chuyển động qua lại.

Bàn chải tự động với đầu nhỏ nên có thể chải được ở các vùng khó chải bằng bàn chải tay. Hơn nữa, chuyển động của bàn chải còn có cảm giác dễ chịu. Ngoài ra bàn chải tự động còn có tác dụng đặc biệt với ngời tàn tật.

Việc phối hợp bàn chải tự động và bàn chải cầm tay có tác dụng làm sạch mảng bám tốt hơn.

c. Dùng phương tiện phun tưới.

Phương pháp phun tưới có thể là biện pháp bổ sung cho chải răng, đặc biệt đối với chỗ có cầu răng. Phương pháp này có tác dụng làm sạch các mảnh vụn thức ăn nhưng không làm sạch được mảng bám răng. Sau phẫu thuật quanh răng phun tưới bằng nước ấm với dung dịch mặn loãng, bệnh nhân sẽ có cảm giác rất dễ chịu.

Nếu bổ sung thêm chất sát khuẩn vào nước để phun tưới như chlorhexidine với nồng độ loãng còn có tác dụng đối với cả vi khuẩn trong miệng. Phun tưới quá mạnh cũng có gây nguy hiểm vì có thể đẩy vi khuẩn ở túi lợi vào tổ chức và gây ra áp xe quanh răng.

2. Kiểm soát mảng bám răng bằng phương pháp hóa học.

Đây là biện pháp dùng nước xúc miệng. Biện pháp này có tác dụng lên mảng bám theo một số cơ chế như:

  • Kìm hãm các khuẩn lạc trong miệng.
  • Ngăn cản việc định cư của vi khuẩn ở bề mặt răng.
  • Ức chế việc hình thành mảng bám răng.
  • Hòa tan các mảng bám đã hình thành.
  • Ngăn ngừa khoáng hóa các mảng bám.

Dùng nước xúc miệng có tác dụng làm sạch miệng khỏi các mảnh vụn thức ăn. Ngoài ra, do còn có chất kháng khuẩn nên nước xúc miệng có tác dụng phòng ngừa và giảm tích tụ mảng bám răng, có fluor nên còn có cả tác dụng làm giảm sâu răng.

Nước xúc miệng đơn giản nhất và được sử dụng rộng rãi nhất là nước muối ấm pha loãng.

Nên xúc miệng bằng nước xúc miệng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 giây. Có thể xúc miệng trước và sau khi chải răng hoặc xúc miệng độc lập với các lần chải răng.

3. Chế độ dinh dưỡng

Thành phần hóa học và tính chất lý học của thức ăn cũng ảnh hưởng đến mô lợi như các thực phẩm xơ làm sạch răng. Các thức ăn mềm, dính, có đường lại là điều kiện tốt để hình thành mảng bám răng.

Việc thiếu hụt dinh dưỡng không gây viêm lợi nhưng bệnh nếu do mảng bám gây ra đã có sẵn thì thiếu hụt dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh. Vì vậy cần phải có chế độ ăn uống cân bằng.

Trả lời