KHỚP CẮN CHÉO

Cắn chéo là tương quan bất thường của một hoặc nhiều răng với một hoặc nhiều răng của cung răng đối theo hướng má – lưỡi hoặc môi – lưỡi

I. NGUYÊN NHÂN

Cắn chéo phía trước

  • Do răng:
    • Chấn thương răn sữa gây lệch lạc mầm răng vĩnh viễn về phía lưỡi
    • Lưu giữ răng sữa lâu, răng thay thế sẽ mọc về phía vòm miệng
    • Răng thừa
    • Thói quen cắn môi trên
    • Bệnh nhân khe hở môi đã phẫu thuật
    • Không đủ chiều dài cung răng
  • Do xương
    • Di truyền
    • Kém phát triển phía trước của xương hàm trên
    • Tăng trưởng xương hàm dưới quá mức
    • Kết hợp kém phát triển phía trước của xương hàm trên và tăng trưởng quá mức của xương hàm dưới
  • Do chức năng
    • Giả sai khớp cắn loại III
    • Thói quen đưa hàm dưới ra phía trước để lồng múi tối đa dẫn tới cắn chéo phía trước.

Cắn chéo phía sau

  • Do răng
    • Do răng sữa tồn tại lâu trên cung hàm
    • Mút ngón tay kéo dài
    • Khe hở môi- vòm miệng
  • Do xương
    • Di truyền
    • Kém phát triển phía bên của xương hàm trên
    • Quá phát triển phía bên của xương hàm dưới
    • Kết hợp kém phát triển phía bên của xương hàm trên và tăng trưởng quá mức phía bên của xương hàm dưới

II.   CHẨN ĐOÁN LÂM SÀNG

Dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Có thể gặp cắn chéo phía trước hoặc cắn chéo phía sau hoặc phối hợp.

       Cắn chéo phía trước

  • Ngoài mặt
    • Nhìn mặt nghiêng: có thể bình thường, hoặc thẳng, hoặc lõm ở tầng mặt giữa.
    • Tầng mặt dưới: có thể có tỷ lệ bình thường hoặc giảm so với các tầng mặt khác.
    • Có thể có đường sẹo khe hở môi đã phẫu thuật.
  • Trong miệng: Ở vị trí cắn trung tâm, tương quan tâm:
    • Hoặc tương quan loại I răng hàm lớn thứ nhất và răng nanh. Một hoặc một số răng có độ cắn chìa đảo ngược hoặc có giá trị bằng 0 trong mối tương quan hướng môi – lưỡi giữa các răng phía trước của hàm trên và hàm dưới.
    • Hoặc tương quan loại III răng hàm lớn thứ nhất và răng nanh. Một hoặc một số răng có độ cắn chìa đảo ngược trong mối tương quan hướng môi- lưỡi giữa các răng phía trước của hàm trên và hàm dưới.
    • Có thể có răng thừa vùng răng cửa hàm trên, có thể có răng cửa sữa khi đã tới tuổi thay, răng cửa hàm trên có thể mọc về phía vòm miệng.

        Cắn chéo phía sau

  • Ngoài mặt
    • Nhìn mặt nghiêng: có thể bình thường, hoặc thẳng, hoặc lõm ở tầng mặt giữa.
    • Tầng mặt dưới: có thể có tỷ lệ bình thường hoặc giảm so với các tầng mặt khác.
    • Có thể có đường sẹo khe hở môi đã phẫu thuật.
  • Trong miệng
    • Ở vị trí cắn trung tâm, tương quan tâm
    • Tương quan loại I, loại II hoặc loại III răng hàm lớn thứ nhất và răng nanh.
    • Cắn chéo: có thể thấy ở một răng, một số răng, một nhóm răng, có thể thấy ở một bên hoặc cả hai bên của cung răng.
    • Cắn chéo phía sau đơn giản: Múi ngoài của răng sau hàm trên cắn khít về phía lưỡi so với múi ngoài của răng sau hàm dưới.
    • Cắn chéo phía má hàm trên: hoàn toàn không cắn khít (cắn kéo).
    • Cắn chéo phía vòm miệng hàm trên: hoàn toàn không cắn khít.
    • Có thể có răng hàm sữa khi đã tới tuổi thay.
    • Răng hàm vĩnh viễn có thể mọc về phía vòm miệng hoặc phía má.

III.   ĐIỀU TRỊ

1.     Nguyên tắc

Tạo lập lại các mối tương quan răng –răng , răng- xương, xương- xương, môcứng- mô mềm theo khớp cắn đúng, đảm bảo sự ổn định và sinh lý của các mốitương quan trên.

2.     Điều trị cụ thể

a.     Giai đoạn hàm răng sữa: Loại bỏ nguyên nhân gây nên cắn chéo.

  • Loại bỏ điểm chạm sớm
  • Đeo khí cụ loại bỏ thói quen xấu
  •   Nhổ răng thừa…

b.     Giai đoạn hàm răng hỗn hợp

  • Can thiệp nắn chỉnh răng bằng một hoặc phối hợp các phương pháp dưới đây:
    • Dùng cây đè lưỡi điều trị cắn chéo một răng.
    • Dùng mặt phẳng nghiêng răng cửa hàm dưới.
    • Dùng cánh tay đẩy đàn hồi.
    • Dùng khí cụ có ốc nong.
    • Dùng khí cụ face mask với ốc nong nhanh.
    • Dùng khí cụ chụp cằm (Chin cup).
    • Dùng khí cụ frankel III…

c. Giai đoạn hàm răng vĩnh viễn

  • Can thiệp nắn chỉnh răng bằng một hoặc phối hợp các phương pháp dưới đây:
    • Khí cụ có ốc nong.
    • Dùng khí cụ gắn chặt với chun cắn chéo.
    • Khí cụ Quad-helix…
    • Khi đến tuổi trưởng thành: có thể phối hợp với phẫu thuật trong các trường hợp cắn chéo do xương.

IV. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

1.     Tiên lượng

  • Nếu điều trị đúng phác đồ trên thì sẽ có kết quả tốt.
  • Nếu không điều trị thì có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng.

2.     Biến chứng

  • Gây ra các tổn thương ở răng và quanh răng như mòn răng, tiêu xương ổ răng, viêm quanh răng, sâu răng…
  • Đau khớp thái dương hàm.
  • Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm.

V.   PHÒNG BỆNH

Khám răng miệng định kỳ để phát hiện các lệch lạc sớm và điều trị kịp thời.

Trả lời