SANG CHẤN KHỚP CẮN

I. ĐỊNH NGHĨA SANG CHẤN KHỚP CẮN

Sang chấn khớp cắn là loại sang chấn do răng đối diện tạo một lực quá mức lên mặt nhai hoặc rìa cắn dẫn đến những thay đổi mô học ở xương ổ răng. Sang chấn khớp cắn thường xuất hiện ở những răng bị nghiêng về phía gần sau khi mất răng phía trước, ở răng bị bệnh viêm quanh răng dẫn đến lung lay di chuyển, ở răng bị hàn thừa mặt nhai.

Sang chấn khớp cắn trong bệnh vùng quanh răng là những thay đổi bệnh lý hoặc thay đổi thích nghi ở vùn quanh răng do lực cắn khi nhai. Sang chấn khớp cắn xảy ra khi tổ chức quanh răng nhận lực truyền từ răng quá lớn tới mức quá khả năng truyền từ lực xương ổ răng ra xương hàm xung quanh.

Sang chấn khớp cắn chỉ có thể chuẩn đoán chắc chắn khi làm mô bệnh học, do vậy các triệu chứng lâm sàng và Xquang là những dấu hiệu hỗ trợ. Ngoài việc tạo ra các tổn thương ở vùng quanh răng, lực còn tạo ra sang chấn khớp thái dương hàm, các cơ cắn, tủy răng.

II. CÁC THAY ĐỔI VỀ HÌNH DẠNG VÀ KÍCH THƯỚC LỢI DO SANG CHẤN KHỚP CẮN

Khe hở Stillman: Là tổn thương co lợi mặt ngoài của chân răng, được cho là do sang chấn khớp cắn, trông giống như một khe nứt chữ V, bờ lợi thường nề đỏ và chảy máu.

Phì đại lợi vòng Mc Call: Thường là ở răng nanh và răng hàm nhỏ, ở mặt ngoài, bờ lợi phồng lên như cái phao, được cho là sang chấn khớp cắn.

III. TRIỆU CHỨNG CỦA SANG CHẤN KHỚP CẮN

  • Tiêu xương chéo: Tiêu xương chéo và lung lay răng là những triệu chứng quan trọng của sang chấn khớp cắn. Tuy nhiên tiêu xương chéo gặp ở cả răng có sang chấn khớp cắn và răng không sang chấn khớp cắn.
  • Răng lung lay: Có thể do sang chấn khớp cắn cũng có thể do giảm chiều cao xương ổ răng hay do vùng dây chằng bị giãn rộng. Đặc trưng của sang chấn khớp cắn là lung lay răng tăng dần, cần phải khám bệnh liên tục trong vài ngày mới xác định được lung lay tiến triển.
  • Điểm chạm sớm: Vị trí lồng múi tối đa, trượt hàm sang hai bên và ra trước, chú ý không nhầm với điểm chạm dẫ hướng khi trượt hàm sang hai bên.
  • Lung lay tiên phát và thứ phát:
    • Lung lay tiên phát là kết quả của thay đổi vị trí chân răng trong huyệt ổ răng. Ở vùng bị nén có sự giảm 10% độ rộng của vùng dây chằng, ở vùng bị giãn có sự tăng tương ứng để bù trừ. Mức độ lung lay tiên phát khác nhau tùy người và tùy từng răng, tùy thuộc vào dây chằng quanh răng.
    • Khi một lực lớn tác động lên thân răng, các bó sợi collagen ở vùng bị giãn không chịu nổi độ lớn của lực, thân răng bị ngả nhiều hơn, mức độ bị ngả thêm được gọi là lung lay thứ phát.
  • Lung lay sinh lý và lung lay bệnh lý:
    • Lung lay sinh lý là khi răng bị nghiêng và chân răng vẫn ở trong huyệt ổ răng, chân di chuyển tới điểm tiếp xúc với xương vỏ.
    • Lung lay bệnh lý: Khi răng lung lay cùng với phản ứng viêm tại vùng dây chằng và xương ổ răng thì được gọi là lung lay bệnh lý.

This Post Has One Comment

Trả lời