Viêm quanh răng nan giải

Trên thực tiễn lâm sàng, chúng ta có thể gặp các trường hợp viêm quanh răng mà không thể tìm ra nguyên nhân và lại không đáp ứng với điều trị hoặc là có đáp ứng với điều trị nhưng lại tái diễn sớm. Các trường hợp như vậy được xem là viêm quanh răng nan giải.

Cần phân biệt viêm quanh răng nan giải với tình trạng tái diễn của viêm quanh răng. Ở trường hợp thứ hai thì bệnh viêm quanh răng đã thuyên giảm hoàn toàn sau điều trị, nhưng lại tái diễn trở lại do có các yếu tố kích thích như các vi khuẩn ở mảng bám răng và cao răng…

Việc đưa bệnh viêm quanh răng nan giải vào bảng phân loại viêm quanh răng còn có các ý kiến khác nhau. Nhưng do đây là tình trạng hay gặp trên lâm sàng cho nên chúng tôi vẫn giới thiệu như một bệnh viêm quanh răng riêng.

1. BỆNH CĂN

Viêm quanh răng nan giải có thể do khả năng đáp ứng của cơ thể vật chủ bất thường, hoặc là do các sinh vật gây bệnh đề kháng lại hoặc phối hợp cả hai.

Sự tích tụ mảng bám răng đã được xác định là có liên quan với bệnh viêm quanh răng nan giải. Đặc biệt, ở người lớn có biểu lộ vùng chẽ các chân răng hoặc bề mặt các chân răng bất thường sâu khó kiểm soát mảng bám răng. Ở đây là nơi tích tụ và sinh sôi các vi sinh vật gây bệnh và gây ra các tổn thương phá huỷ nhanh.

Viêm quanh răng nan giải còn gặp ở các trường hợp viêm quanh răng tiến triển nhanh, nhất là các trường hợp viêm quanh răng tiến triển nhanh bắt đầu sớm có tình trạng giảm bạch cầu hạt. Ở các bệnh nhân có bệnh Chediak–Higashi hoặc hội chứng Papillon–Lefevre có tình trạng thiếu hụt bạch cầu đa nhân nặng hoặc có các rối loạn miễn dịch khác đã gây ra tình trạng nan giải này.

Về mặt vi khuẩn, người ta thấy có một tỷ lệ cao A. Actinomycetemcomytans và P. Intermedia ở túi quanh răng. Các loại vi khuẩn này được xem là khó được kiểm soát hơn ở túi lợi so với các loại vi khuẩn khác do khả năng lan tràn của chúng và chúng còn có thể tái nhiễm vào túi quanh răng từ các nơi khác trong khoang miệng. Người ta xác định được một số chủng vi sinh vật trong viêm quanh răng nan giải, chúng tôi sắp xếp theo trình tự từ các chủng hay gặp hơn đến các chủng ít gặp hơn:

  • A. Nucleatum.
  • P. Intermedia.
  • A. Actinomycetemcomytans.
  • Peptostreptococcus micros.
  • Staphylococcus sp
  • B. forsythus.
  • C.rectus.
  • P. gingivalis.
  • Candida sp.
  • Entero bacteriaceae.
  • Pseudomonadecea spp.

Haffajee và cộng sự đã chứng minh được có ba phức hợp vi khuẩn chủ yếu ở các bệnh nhân viêm quanh răng nan giải là:

– B. forsythus, F. Nucleatum, C.rectus.

– S. Intermedius, B. gingivalis, P. micros.

– S. Intermedius, F. Nucleatum.

Walker và cộng sự đã nhận thấy là tình trạng mất bám dính ở các bệnh nhân viêm quanh răng nan giải liên quan tới các quần thể vi sinh vật khác nhau. Các trường hợp có mất bám dính tương đối nhanh liên quan tới các chủng Gram âm, bao gồm các xoắn khuẩn, P.Intermedia và các loại Fusobacterium. Các bệnh nhân có mất bám dính quanh răng chậm, liên tục thì liên quan tới các chủng Gram âm chủ yếu, bao gồm một tỷ lệ cao S. Intermedius hoặc các sinh vật giống S. Intermedius.

Ở các bệnh nhân viêm quanh răng nan giải, người ta còn nhận thấy khả năng thực bào của các bạch cầu đa nhân bị suy yếu và hoá ứng động của các bạch cầu này cũng bị giảm xuống.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở các bệnh nhân viêm quanh răng nan giải có một tỷ lệ cao người hút thuốc. Ở các bệnh nhân này có tình trạng biến đổi “hệ thống cytokine — tế bào đơn nhân”.

2. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG

Cho tới nay, còn có hai quan điểm khác nhau về viêm quanh răng nan giải. Một quan điểm cho rằng, viêm quanh răng nan giải là một thực thể rõ ràng và khác với các loại viêm quanh răng khác. Viêm quanh răng nan giải có các tác nhân vi khuẩn khác nhau, có sự biến đổi đặc trưng đáp ứng của vật chủ hoặc do có sự phối hợp cả hai.

Quan điểm khác cho rằng, viêm quanh răng nan giải không phải là một thực thể rõ ràng và tất cả các trường hợp viêm quanh răng nan giải, có thể rơi vào một vài loại khác của viêm quanh răng. Khi bệnh nhân có bất kỳ thể loại viêm quanh răng nào không điều trị được hoặc không có hy vọng điều trị được đều có thể xếp vào loại “viêm quanh răng nan giải”. Như vậy, theo quan điểm này, thì viêm quanh răng nan giải bao gồm một vài trường hợp viêm quanh răng tiến triển chậm, nhiều trường hợp viêm quanh răng tiến triển nhanh và tất cả các trường hợp viêm quanh răng trước tuổi dậy thì.

Viêm quanh răng nan giải ở người lớn có tất cả các đặc điểm lâm sàng của viêm quanh răng như có các biểu hiện mất bám dính quanh răng, mất xương ổ răng và có túi lợi bệnh lý quanh răng, răng lung lay và có các biểu hiện viêm lợi với các mức độ có thể khác nhau, có biểu hiện tích tụ mảng bám răng, có chảy máu ở lợi kéo dài khi thăm khám hoặc có mủ.

Các vị trí “nan giải”: viêm quanh răng nan giải ở người lớn thường có thể có liên quan với các tình trạng giải phẫu mà làm trở ngại kiểm soát mảng bám răng như các vùng chẽ chân răng của các răng nhiều chân hoặc các bề mặt chân răng bất thường. Các vị trí nan giải này là nơi tích tụ mảng bám và các quần thể vi sinh vật liên quan với sinh bệnh học viêm quanh răng.

Tình trạng viêm quanh răng có biểu hiện xấu đi. Nếu theo dõi các bệnh nhân viêm quanh răng nan giải trên lâm sàng, thấy có các dấu hiệu xấu đi trên lâm sàng với biểu hiện là mất bám dính quanh răng và mất xương ổ tăng lên hoặc xuất hiện viêm quanh răng ở các răng mới mà ở lần trước chưa có biểu hiện tổn thương.

Các trường hợp viêm quanh răng nan giải ở các bệnh nhân viêm quanh răng tiến triển nhanh, nhất là các trường hợp viêm quanh răng bắt đầu sớm ở tuổi dậy thì và trước tuổi dậy thì còn liên quan với bệnh giảm bạch cầu hạt. Các trường hợp viêm quanh răng nan giải ở các bệnh nhân có bệnh Chediak Higashi và hội chứng Papillon Lefevre có tình trạng thiếu hụt bạch cầu đa nhân nặng hoặc có các các vấn đề về miễn dịch khác.

Tần xuất mắc viêm quanh răng nan giải: Một số nhà lâm sàng có thông báo về tần suất mắc viêm quanh răng nan giải ở các mức độ từ 4,2% đến 8% các trường hợp.

This Post Has One Comment

Trả lời