QUÁ TRÌNH LIỀN THƯƠNG SAU ĐIỀU TRỊ VIÊM QUANH RĂNG

Quá trình liền thương bao gồm:

  • Quá trình tái tạo.
  • Quá trình sửa chữa.
  • Quá trình tạo bám dính mới.

Các quá trình này có sự liên quan đặc biệt với kết quả điều trị .

1. Quá trình tái tạo

Tái tạo là sự phát triển và biệt hoá các tế bào mới và các chất gian bào để tạo thành các mô mới hoặc các phần mới.

Tái tạo xảy ra do sự phát triển từ cùng một dạng mô đã bị phá huỷ hoặc là từ dạng nguồn gốc của nó.

Tái tạo trong mô quanh răng, biểu mô lợi được thay thế bằng biểu mô và mô liên kết bên dưới dây chằng quanh răng mà có nguồn gốc từ mô liên kết. Xương và xương răng được thay thế không phải bởi xương và xương răng đang tồn tại mà bởi mô liên kết và là nguồn gốc của cả xương và xương răng. Các tế bào mô liên kết không biệt hoá phát triển thành các tế bào tạo xương và các nguyên bào tạo xương răng, để tạo thành xương và xương răng.

Sự tái tạo mô quanh răng là một quá trình sinh lý liên tục. Dưới các điều kiện bình thường, các tế bào và các mô mới được hình thành liên tục để thay thế cho các tế bào và các mô đã trưởng thành và đã chết. Quá trình này được gọi là quá trình sửa chữa bổ sung. Quá trình tái tạo mô quanh răng này được biểu lộ bởi hoạt động gián phân ở biểu mô của lợi và ở mô liên kết của dây chằng quanh răng, bởi sự hình thành xương mới và bởi sự lắng liên tục của xương răng.

Sự tái tạo còn xảy ra trong khi có bệnh quanh răng phá huỷ. Hầu hết các bệnh lợi và bệnh quanh răng là các tình trạng viêm mạn tính và là quá trình liền thương mà tái tạo là một phần của quá trình liền thương. Các vi khuẩn và sản phẩm của vi khuẩn làm kéo dài các quá trình bệnh và tiết dịch rỉ viêm, chúng làm tổn thương các tế bào và mô đang tái tạo và ngăn cản quá trình liền thương.

Nhờ vậy mà bằng việc loại bỏ mảng vi khuẩn và tạo ra các điều kiện để ngăn ngừa sự hình thành mảng bám mới, việc điều trị quanh răng đã loại bỏ được các yếu tố cản trở sự hình thành mảng bám mới, loại bỏ được các yếu tố cản trở sự tái tạo quanh răng và giúp cho quá trình tái tạo tốt hơn. Cần lưu ý là ngay sau khi điều trị quanh răng thì đã có hoạt động tái tạo ngắn ngủi.

2. Quá trình sửa chữa

Quá trình sửa chữa giúp phục hồi lại sự liên tục của lợi bờ đã bị tổn thương và tái thiết lập lại rãnh lợi bình thường ở cùng mức với chân răng, mà đáy của rãnh lợi ở mức đáy của túi tồn tại trước. Quá trình này gọi là sự liền thương bởi sẹo, ngăn chặn sự phá huỷ xương mà không làm tăng thêm chiều cao của xương.

Sự phục hồi mô quanh răng đã bị phá huỷ liên quan đến sự huy động các tế bào biểu mô và các tế bào mô liên kết đi vào khu vực đã bị tổn thương và tăng cường phân bào gián phân tại chỗ để cung cấp đủ số lượng các tế bào.

3. Quá trình tạo bám dính mới

Bám dính mới là sự gắn các sợi dây chằng quanh răng vào xương răng và sự bám dính của biểu mô lợi vào bề mặt răng đã bị lộ ra trước đây do bệnh. Sự bám dính của lợi hoặc dây chằng quanh răng vào các vùng của răng mà từ đó nó có thể bị dời chuyển trong đợt điều trị hoặc trong khi sửa soạn răng cho các phục hồi là kết quả của quá trình liền thương đơn giản hoặc tái bám dính quanh răng và không phải là bám dính mới.

Thuật ngữ “tái bám dính” đã được sử dụng trước đây để ám chỉ sự phục hồi mô quanh răng bờ, nhưng bởi vì nó không phải là các sợi đang tồn tại tái bám dính, mà là các sợi mới hình thành và bám dính vào xương răng mới. Vì vậy, thuật ngữ “tái bám dính” được thay bằng “bám dính mới”.

Thuật ngữ tái bám dính này được dùng để ám chỉ quá trình sửa chữa ở các vùng của chân răng trước đây không bộc lộ ra túi lợi, ví dụ như sau làm mất bám dính do phẫu thuật hoặc sau rách do chấn thương ở xương răng, gãy răng, hoặc điều trị các tổn thương quanh cuống.

Tái tạo dây chằng quanh răng là rất quan trọng cho bám dính mới. Nó tạo ra sự liên tục giữa xương ổ răng và xương răng, nó còn chứa đựng các tế bào có thể tổng hợp và tái tạo ra các mô liên kết ở phần xương ổ răng của mô quanh răng.

Trong các giai đoạn liền thương của túi quanh răng, khoang quanh răng đã bị phá huỷ được thâm nhập bởi các tế bào từ 4 nguồn khác nhau :

  • Biểu mô lợi miệng.
  • Mô liên kết sợi.
  • Xương ổ răng.
  • Dây chằng quanh răng.

Kết quả cuối cùng của quá trình liền thương túi quanh răng tuỳ thuộc vào một chuỗi các yếu tố trong các giai đoạn của quá trình liền thương như:

– Nếu biểu mô sinh sôi dọc theo bề mặt răng trước khi các mô khác thâm nhập thì kết quả là sẽ tạo ra một biểu mô nối dài.

– Nếu các tế bào từ mô liên kết lợi đến cư trú đầu tiên thì kết quả là sẽ tạo ra các sợi song song đến bề mặt răng và tạo khuôn mẫu cho xưương ổ răng và không có bám dính vào xương răng.

– Nếu các tế bào xương đến trước tiên thì có thể xuất hiện tiêu xương ở vùng chân răng và dính khớp.

– Nếu chỉ có các tế bào từ dây chằng quanh răng sinh sôi về phía thân răng thì sẽ hình thành mới xương răng và dây chằng quanh răng.

Trả lời