Ảnh Hưởng Của Dinh Dưỡng Đối Với Vùng Quanh Răng

Một số tổn thương ở vùng nha chu và niêm mạc miệng dược cho là thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không cân bằng. Thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến tổ chức quanh răng, gây ra viêm lợi và viêm quanh răng hoặc làm tăng nặng bệnh ở tổ chức quanh răng.

Vai trò của chế độ ăn: Nhiều thực nghiệm trên động vật cho thấy chế độ ăn ảnh hưởng đến sự bám mảng bám dính của mảng bám răng và từ đó khởi phát viêm lợi. Các loại thứ ăn mềm làm mảng bám và cao răng hình thành nhanh nhiều, đặc biệt là thức ăn có nhiều sucrose. Thức ăn cũng là nguồn dinh dưỡng cho vi sinh vật ở mảng bám răng, ảnh hưởng lên các hoạt động chuyển hóa của vi khuẩn và khả năng gây bệnh của vi khuẩn. Nguồn dinh dưỡng của vi khuẩn có thể là nội sinh hoặc ngoại sinh.

  1. Ảnh hưởng của vitamin A, D, E
  • Thiếu vitamin A

Một số chức năng chính của vitamin A là duy trì sự khỏe mạnh của tế bào biểu mô. Thiếu vitamin A gây các tổn thương ở da, niêm mạc. Thay đổi thoái hóa ở lớp biểu mô gây dị sản lớp sừng. giảm khả năng ngăn cản các vật lạ xâm nhập.

Hiện nay các thực nghiệm chứng minh vai trò của vitamin A đối với bệnh vùng quanh răng còn ít và chưa chứng minh được vai trò của việc thiếu vitamin A đối với vùng quanh răng.

Trên động vật (chuột) thí nghiệm, thiếu hụt vitamin A gây dày sừng và tăng sản lợi với xu hướng tạo túi lợi, dày biểu mô bám dính, chậm lành thương tổ chức lợi. Nếu có yếu tố căn nguyên tại chỗ thì bệnh phát triển và tạo túi lợi sâu hơn so với nhóm chuột không bị thiếu hụt vitamin A.

  • Thiếu vitamin D

Vitamin D là cần thiết cho sự hấp thụ calci ở đường tiêu hóa và cân bằng calci- phosphat của cơ thể. Thiếu vitamin D hoặc sự mất cân bằng calci- phosphat gây còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.

Thực nghiện trên động vật gây loãng xương ổ răng, giảm chiều rộng vùng dây chằng quanh răng, tiêu cement chân răng, giảm sự phát triển xương ổ răng.

Ở động vật gây loãng xương thực nghiệm, có sự tiêu xương ổ, tăng sản sinh nguyên bào sợi và nguyên bào sợi thay thế cho xương vỏ và xương bè.

  • Thiếu vitamin E: Vitamin E đóng vai trò như một chất chống oxi hóa. Màng tế bào là nơi bị tổn thương nhiều nhất khi thiếu vitamin E. Thiếu Vitamin E làm chậm quá trình liền thương ở tổ chức quanh răng.

2. Thiếu vitamin nhóm B và vitamin C

  • Thiếu phức hợp các vitamin nhóm B: gồm có B1, B2, PP, B6, B7, B9, B12.

Các thay dổi trong miệng do thiếu vitamin nhóm B thường là: Viêm lợi, viêm lưỡi, đau lưỡi, chốc mép, viêm niêm mạc miệng.

  • Thiếu Vitamin B1, biểu hiện toàn thân là bệnh Beriberi: Liệt, có triệu chứng tim mạch, phù nề, ăn không ngon miệng. Trong miệng: nhạy cảm niêm mạc, mụn nước nhỏ ở niêm mạc má, dưới lưỡi, vòm miệng, trợt niêm mạc miệng.
  • Thiếu Vitamin B2: Viêm lưỡi, chốc mép, viêm da bã nhờn, viêm giác mạc do tổn thương mạch máu nông. Viêm lưỡi đặc trưng bởi teo nhú lưỡi và có mảng màu đỏ tía, những trường hợp nhẹ và trung bình, lưng lưỡi có các mảng nhú vị giác teo. Trường hợp nặng, toàn bộ bề mặt lưng lưỡi phẳng, khô, có rãnh.
  • Thiếu Vitamin PP: có những triệu chứng như viêm da, viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng, viêm niêm mạc đường tiêu hóa, ỉa chảy, triệu chứng thần kinh và tâm thần. Khi thiếu vitamin PP thì viêm lưỡi và viêm niêm mạc miệng thường là triệu chứng sớm. Có thẻ có triệu chứng ở lợi mà không có biểu hiện ở lưỡi. Triệu chứng thường gặp ở lợi là loét hoại tử, thường ở vị trí kích thích tại chỗ.
  • Thiếu vitamin B9: Biểu hiện toàn thân là thiếu máu, với hồng cầu chưa trưởng thành, hệ tiêu hóa: Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, ỉa chảy. Biểu hiện ở miệng: lợi, dây chằng quanh răng và xương ổ răng không viêm, viêm niêm mạc lợi. Viêm miệng loét là triệu chứng sớm của thuốc điều trị bệnh bạch cầu gây nên thiếu vitamin B9.
  • Thiếu Vitamin C: Thiếu vitamin C nặng gây bệnh Scurvy, triệu chứng điển hình là chảy máu tạng, chảy máu cơ tay và chân, khớp và có thể ở gốc móng tay, xuất huyết quanh nang chân tóc, nhạy cảm nhiễm trùng và chậm liền thương, có thể chảy máu, sưng lợi và răng lung lay.

3. Thiếu Protein

Thiếu Protein làm giảm protein huyết, gây teo cơ, sụt cân, giảm khả năng chống đỡ của cơ thể… Ở vùng quanh răng làm thoái hóa tổ chức liên kết ở lợi và dây chằng quanh răng, tiêu xương ổ răng, chậm lành thương và sửa chữa tổ chức ở vùng quanh răng.

Cơ chế mất xương ổ răng là do sự tái tạo và thay thế xương không tương xứng với quá trình hủy xương. Thiếu protein cũng làm trầm trọng thêm bệnh lý có sẵn ở vùng quanh răng.

4. Đói ăn.

Đói là sự thiếu toàn bộ các chất dinh dưỡng, cơ thể không đủ năng lượng. Một số thực nghiệm cho thấy khi bị đói, xương ổ răng giảm chiều cao, khối lượng. Bệnh của vùng quanh răng trầm trọng hơn.

Trả lời