Dự phòng bệnh quanh răng theo các giai đoạn phát triển của bộ răng

Mục đích của phòng bệnh quanh răng là bảo vệ răng cho từng người hoặc nhiều người trong cộng đồng, để răng tồn tại suốt đời, càng nhiều răng càng tốt. Công tác dự phòng bệnh quanh răng là một hoạt động của sức khoẻ cộng đồng chủ yếu dựa vào mối quan hệ giữa nha sĩ và bệnh nhân. Dự phòng bệnh quanh răng cần làm sao cho bệnh nhân được thoải mái và không bị đau hoặc khó chịu vì bị bệnh quanh răng.

I. Dự phòng bệnh quanh răng theo các giai đoạn phát triển của bộ răng:

Các giai đoạn: Khi mang thai, cần ăn uống đủ chất để thai nhi phát triển bình thường. Trẻ ra đời và mọc răng sữa, đồng thời cần phải dự phòng bệnh sớm. Trong suốt cuộc đời, phòng bệnh quanh răng có thể chia làm 3 thời kỳ (giai đoạn):

1. Từ 6 tháng đến 19 tuổi:

Đây là thời kỳ trẻ mọc răng, thay răng và chuyển từ trẻ em sang người lớn, do đó dự phòng cần chú ý những điểm sau:

  • Viêm lợi khi mọc răng sữa từ 6 tháng tới 30 tháng tuổi: Giai đoạn này trẻ mọc 1 răng sữa thường có biểu hiện như chảy nước dãi nhiều, sốt, ho, đi tướt, đặc biệt là vùng lợi có răng sắp mọc thì sưng đỏ. Sau một vài ngày, khi răng nhú khỏi lợi thì hết các triệu chứng trên. Người mẹ cần giữ sạch vùng răng đã mọc và lợi cho trẻ bằng cách dùng miếng gạc sạch quấn vào đầu ngón tay thấm vào nước muối nhạt hoặc nước sôi để nguội kỳ vào răng và lợi nhiều lần cho sạch, cả mặt ngoài lẫn mặt trong. Làm đều đặn hằng ngày và chú ý xem có tổn thương niêm mạc không để điều trị kịp thời.
  • Phòng viêm lợi và sâu răng sữa: Trong quá trình ăn nhai bằng hàm răng sữa, trẻ chuyển từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc và cứng. Trẻ bắt đầu ăn được cơm và thức ăn cứng khác, đồng thời trẻ cũng ăn bánh kẹo, đồ ngọt khác nên rất dễ bị sâu răng và viêm lợi nếu không được làm sạch ngay, đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ. Khi có hàm răng sữa hoàn chỉnh, cần dạy trẻ tập chải răng, trước tiên người mẹ chải cho trẻ thời gian ngắn, khoảng 30 giây đến 1 phút không có kem chải răng, cho trẻ súc miệng. Mỗi lần người mẹ chải răng cho con, để chúng nhìn qua gương và hướng dẫn từng động tác chải cho đến khi trẻ tự chải được. Sau khi trẻ đã quen, khoảng 6 tháng tới 1 năm, trẻ đã có kỹ năng chải răng thì cho trẻ chải bằng kem chải răng. Nên cho trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm tổn thương sâu răng và viêm lợi; nếu có cần chữa trị kịp thời.
  • Phòng lệch lạc răng và viêm lợi: Sáu tuổi trẻ mọc răng vĩnh viễn số 6 và bắt đầu thay răng, hàm răng vĩnh viễn sẽ thay thế hàm răng sữa, từ 6 đến 11 tuổi. Ở thời kỳ thay răng, cần nhổ răng sữa kịp thời đúng tuổi thay để phòng răng vĩnh viễn mọc lệch lạc vì răng sữa chưa rụng. Giai đoạn này hay gặp sâu răng và viêm lợi, đặc biệt viêm nhú lợi ở vùng răng hàm sữa có sâu mặt bên sát cổ răng, cần thiết chữa sâu răng và viêm lợi; hướng dẫn trẻ tăng cường vệ sinh răng miệng, hạn chế ăn vặt, đặc biệt là đồ ngọt. Từ 12 đến 19 tuổi, trẻ bước sang tuổi dậy thì và chuyển từ trẻ con sang người lớn do thay đổi nội tiết, toàn bộ cơ thể phát triển đột biến; con trai giọng nói ồ ồ và cao lớn nhanh, con gái thì phổng phao, nở nang, nói giọng thanh. Đồng thời ở lợi, các mạch máu tăng sinh nên dễ viêm. Tỷ lệ viêm lợi ở trẻ dậy thì rất cao, gần như là 100%, cần tăng cường vệ sinh răng miệng đúng cách và đặc biệt là chải răng đúng kỹ thuật. Răng mọc lệch lạc do răng sữa nhỏ không đúng lúc, do cung hàm hẹp hoặc do sự phát triển bất thường của xương hàm, mặt. Vì răng mọc lệch lạc nên rất khó làm sạch mảng bám ở những vùng răng chồng chéo, kẹt. Một mặt cần hướng dẫn tỉ mỉ bệnh nhân cách làm sạch mảng bám ở những vùng này, mặt khác cần điều trị nắn chỉnh những răng lệch lạc để phục hồi hoàn chỉnh chức năng ăn nhai và thẩm mỹ. Nắn chỉnh răng lệch lạc đạt kết quả tối ưu trong khoảng 9 đến 15 tuổi.

2. Giai đoạn từ 20 đến 40 tuổi:

Bệnh quanh răng thường gặp là viêm lợi thế mạn tính và viêm quanh răng, đặc sau 35 tuổi; ngoài ra còn gặp các bệnh răng miệng khác là sâu răng và biến chứng của nó, lệch lạc răng. Cần tăng cường giữ vệ sinh răng miệng tốt hằng biệt ở người ngày bằng chải răng và các phương tiện khác như tăm xỉa răng, chỉ tơ nha khoa, bàn chải kẽ răng…

Khám răng định kỳ để phát hiện nếu có lệch lạc răng, sâu răng, viêm lợi và viêm quanh răng; điều trị các răng sâu và biến chứng do sâu răng; điều trị lệch lạc răng. Điều trị viêm lợi và đặc biệt là viêm quanh răng sớm.

3. Giai đoạn từ 40 tuổi trở lên:

Nếu như ở tuổi trước 35, mất răng chủ yếu do sâu thì ở giai đoạn tuổi này, mất răng chủ yếu do viêm quanh răng, bởi vì viêm quanh răng không được điều trị kịp thời, bệnh càng tiến triển nặng, có túi bệnh lý sâu, phá huỷ dây chằng quanh răng, xương ổ răng tiêu nhiều nên không có khả năng giữ răng chắc trong ổ răng làm mất chức năng ăn nhai dẫn đến rụng răng hoặc phải nhổ. Khi bị mất răng sẽ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, nhai không kỹ dẫn đến viêm loét dạ dày và đường tiêu hoá. Vì vậy, phòng bệnh ở giai đoạn này, ngoài việc duy trì vệ sinh răng miệng đều đặn, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị viêm quanh răng và điều trị phục hình nhằm phục hồi những răng đã mất bằng răng giả tháo lắp hoặc gắn chặt.

II. Các bện pháp dự phòng và phương pháp áp dụng

Có nhiều biện pháp dự phòng bệnh quanh răng nhưng quan trọng nhất là làm sao loại trừ được mảng bám vi khuẩn, tức là làm sạch răng. Có hai biện pháp cơ bản nhằm loại trừ mảng bám là: làm sạch bằng cơ học và làm sạch bằng hoá học.

1. Làm sạch bằng cơ học:

Gồm bàn chải răng, bàn chải kẽ răng, chỉ tơ nha khoa và biện pháp hỗ trợ khác như tăm xỉa răng, kích thích nước,…

a. Bàn chải răng

  • Phân loại: theo kích cỡ, có bàn chải cho người lớn và bàn chải cho trẻ em. Người ta sử dụng sợi nilon mảnh có kích thước nhỏ để làm bàn chải đánh răng để khó bị vi khuẩn bám và dễ làm sạch.
  • Phương pháp chải: có rất nhiều phương pháp chải khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là làm sạch tối ưu những nơi cần làm sạch như mặt bên răng, cổ răng và rãnh lợi, mặt xa của răng cuối cùng

Nên chải răng đều đặn ngày 2 lần đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ.

b. Bàn chải kẽ răng:

Gồm 3-5 búp sợi nilon xếp quây tròn, đầu vát về phía trung tâm. Loại bàn chải này sử dụng cho những người có kẽ răng thưa, răng bị mất và các răng xô lệch, răng mọc lệch lạc, có tác dụng làm sạch những nơi mà bàn chải thường không đưa vào làm sạch được. Ngoài ra, còn loại chải kẽ khác là sợi nilon tết quanh sợi dây kim loại mềm hình chóp, thuôn dần về phía đầu, được lắp vào cán chuyên biệt, đưa vào kẽ răng đẩy đi đẩy lại ở mỗi kẽ, làm sạch mặt gần và mặt xa của các răng liền kề, loại này không dùng kem răng.

c. Chỉ tơ nha khoa:

Là một phương tiện bổ sung để tăng cường làm sạch kẽ răng. Có 2 loại chỉ tơ: loại có sáp và loại không có sáp

Cách làm: lấy một đoạn chỉ dài chừng 30-50 cm quấn 2 đầu chỉ vào ngón giữa, ngón trỏ và ngón cái của bàn tay phải và tay trái, giữ căng sợi chỉ. Đưa sợi chỉ vào từng kẽ răng, vòng sang phía gần và phía xa của mỗi răng cò cưa, miết lên mặt cổ và chân răng nhiều lần cho đến khi cảm thấy sạch.

d. Các phương tiện hỗ trợ khác

  • Tăm xỉa răng: dùng tăm sạch để lấy thức ăn thừa đọng ở kẽ các răng, thường ở người có kẽ răng thưa hoặc kẽ rộng do viêm quanh răng, có tiêu xương ổ răng làm lợi co
  • Phun kích thích nước có tác dụng làm sạch thức ăn giắt ở bề mặt răng và kẽ răng. Ngoài ra, trong điều trị viêm quanh răng, người ta còn sử dụng dịch nước sát trùng và chống viêm để phun kích thích lợi làm tái hoạt tuần hoàn quanh răng.

2. Làm sạch bằng hoá học

a. Nước súc miệng: Tác dụng của nước súc miệng là kìm hãm và ức chế vi khuẩn mảng bám sinh sôi và phát triển, hay có tác dụng phòng bệnh. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại nước súc miệng. Loại thường dược sử dụng nhất là Peridex, chứa chlohexidine gluconate nồng độ 0,12 %. Pha 5ml dung dịch chlohexidine gluconate vào 20-30ml nước, súc và lưu miệng 30 giâyy, ngày súc 2-3 lần.

b, Flour có tác dụng phòng bệnh đặc biệt là phòng sâu răng. Flour được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau: kem đánh răng, nước sinh hoạt được flour hoá, muối flour, sữa flour

Ngoài ra trong chế độ ăn cũng cần phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, để tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ các bệnh về răng miệng.

Trả lời